Là những người chứng kiến và trực tiếp tham gia cứu hộ, chúng tôi muốn nhìn lại kinh nghiệm công tác cứu hộ về y tế trong vụ thảm họa này.
Sự việc xảy ra vào khoảng 7 giờ ngày 16 tháng 12 năm 2014, tại hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, khoảng trên 30 công nhân đang thi công trong hầm thì sự cố bất ngờ xảy ra, hầm bị sập cách miệng hầm khoảng 500 mét, khối đất đá khổng lồ từ trên đổ ầm xuống, mọi người hoảng loạn bỏ chạy, một nhóm người đã may mắn chạy thoát ra hướng cửa hầm còn 12 người bị kẹt ở phía trong. Họ bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, xung quanh chỉ có bóng tối, nước, đất đá và thời tiết lạnh 15 độ C.
(PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế và TS. Phạm Thị Bạch Yến- Ciám đốc Sở Y tế Lâm Đồng trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ y tế-Ảnh:Sĩ Quang)
Ngay sau khi biết được thông tin Ngành Y tế Lâm Đồng dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai tiếp cận hiện trường để tham gia cứu hộ. Đồng chí Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ. Ngành Y tế đã thành lập ban chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường do lãnh đạo bệnh viện đa khoa Lâm Đồng phụ trách, các đơn vị y tế tham gia cứu hộ gồm: Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện y học dân tộc Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng, Trung tâm y tế Đà Lạt, Trung tâm y tế Lạc Dương, Trung tâm y tế dự phòng, lực lượng quân y đóng trên địa bàn và một số đơn vị y tế khác. Đặc biệt ban cứu hộ về y tế còn nhận được sự chi viện của bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh do PGS-TS Trần Minh Trường và PGS-TS Nguyễn Văn Khôi là hai phó giám đốc bệnh viện cùng đoàn công tác gồm hơn chục bác sĩ chuyên gia về hồi sức cấp cứu lên tăng cường. Tại hiện trường thường xuyên có mặt trên 30 y, bác sĩ cùng các phương tiện cấp cứu tập kết tại 3 lán trại dã chiến ngay cạnh cửa hầm bị sập và gần chục xe cứu thương chuyên dụng của ngành y tế Lâm Đồng cũng túc trực sẵn sàng tham gia cứu hộ nạn nhân. Chiều ngày 17/12/2014 Bộ trưởng Bộ Y tế có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ.
Trong lúc các ban ngành liên quan tìm cách tiếp cận các nạn nhân, đội cứu hộ y tế đã họp bàn các phương án cấp cứu nạn nhân và tổ chức diễn tập tại hiện trường để mong việc cấp cứu các nạn nhân đạt kết quả cao nhất. Do địa hình phức tạp công tác tiếp cận các nạn nhân kéo dài hơn so với dự kiến, đội cứu hộ y tế đã phối hợp với các bộ phận liên quan chuẩn bị sẵn dưỡng khí oxy, nước, cháo, sữa để sẵn sàng tiếp tế cho nạn nhân khi mũi khoan tiếp cận được tới nơi nạn nhân gặp nạn. Phương án này đã phát huy tác dụng, khoảng hơn 12 giờ sau khi xảy ra thảm họa, mũi khoan đầu tiên có đường kính khoảng 3cm xuyên qua được khối đất đá sập tiếp cận được vị trí các nạn nhân và các mũi khoan khác lần lượt được khoan vào. Từ đây ống nhựa nhỏ hơn được các cán bộ y tế đề xuất luồn vào và phối hợp với các bộ phận liên quan kịp thời cung cấp dưỡng khí oxy, nước, cháo nấu tại chỗ, sữa, xúc xích để giúp nạn nhân chống đỡ được với tình trạng thiếu dưỡng khí, đói và rét. Sau đó các nạn nhân còn được cung cấp dung dịch có hàm lượng dinh dưỡng cao do đoàn cán bộ y tế của bệnh viện Chợ Rẫy chi viện. Chính những nguồn dưỡng khí và dinh dưỡng quý giá này đã giúp cho các nạn nhân có cơ hội vượt qua quãng thời gian cùng cực của cuộc sống đối diện với cái chết đang trực chờ. Cho đến chiều ngày 19/12/2014 qua đường ống đặt vào ống khoan bộ phận cứu hộ cứ 4-6 tiếng lại cung cấp một lần nước uống, cháo, sữa, xúc xích cho các nạn nhân.
Khi biết tin các đội tham gia đào các ngách hầm đang quyết tâm để tiếp cận các nạn nhân càng nhanh càng tốt, công tác chuẩn bị về y tế cũng trở nên khẩn trương hơn. Cáng cứu thương, các quạt sưởi ấm, chăn, mền, sữa, thức ăn, nước trà đường, nước trà gừng, các mask giúp thở, bình dưỡng khí, ống nghe, máy đo huyết áp, máy điện tim, máy giúp thở, các loại thuốc cấp cứu và dịch truyền … được chuẩn bị sẵn sàng.
Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 19/12/2014, niềm vui vỡ òa khi đội đào ngách hầm bên trái bất ngờ tiếp cận được các nạn nhân, tiếng hò reo xen lẫn tiếng vỗ tay vang rội, hàng trăm con người có mặt tại hiện trường trở lên phấn khích, náo nhiệt, rất nhiều người đã rơi lệ vì sung sướng, các nạn nhân cũng phấn khích vì lần đầu tiên sau hơn 4 ngày 3 đêm bị cách ly với cuộc sống bên ngoài, nay được nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy những người cứu hộ, nhìn thấy sự sống.
(Công tác sơ, cấp cứu nạn nhân tại lán trại y tế dã chiến-Ảnh: Nguyễn Văn Luyện)
Một số nạn nhân muốn tự mình lao ra ngoài, nhưng lo ngại mọi người đang yếu lại dễ bị sốc vì thay đổi thời tiết, ánh sáng đột ngột cũng như tâm lý nên toàn thể các nạn nhân đều được dìu hoặc cáng ra ngoài và chuyển vào các lán trại dã chiến của đội cứu hộ y tế. Tại đây, các nạn nhân được phân loại sơ bộ, đeo bảng đánh số, đắp mền và sưởi ấm bằng quạt sưởi điện và lập phiếu theo dõi cho từng nạn nhân. Các nhân viên y tế phân công người có trình độ, kinh nghiệm hơn theo dõi cấp cứu nạn nhân nặng, cứ 2-3 nhân viên y tế theo dõi 1 nạn nhân. Nhân viên y tế nhanh chóng khám, kiểm tra đánh giá tình trạng sức khỏe, mạch, nhiệt độ, huyết áp, đo điện tim và đánh giá tình trạng chấn thương, cho nạn nhân thở oxy, uống sữa, nước trà gừng ấm, thiết lập đường truyền dịch và sử dụng một số thuốc cấp cứu cần thiết. Đa số các nạn nhân bị suy giảm thể lực, huyết áp tụt, hạ thân nhiệt gây choáng, tay chân người nào cũng lạnh ngắt, mạch nhỏ khó bắt, tâm lý hoảng loạn. Trong số đó nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc 26 tuổi bị nặng nhất, nạn nhân này bị choáng mê man khi còn ở trong hầm, một nạn nhân bị chấn thương đầu và một số nạn nhân có các bệnh mạn tính đi kèm.
Sau khoảng 2 giờ được sơ cứu, hồi sức tích cực tại các nán trại y tế dã chiến các nạn nhân được đưa về cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, người khỏe được đưa về trước, người yếu được đưa về sau, nạn nhân Ngọc được đưa về sau cùng, đến 21 giờ 30 phút cùng ngày sức khỏe của các nạn nhân đã dần hồi phục.
(Xe cứu thương chở nạn nhân về bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng- Ảnh: Nguyễn Văn Luyện)
Tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, các nạn nhân được khám tổng quát, chụp x-quang, CT-Scan cho nạn nhân bị chấn thương, kiểm tra phát hiện các bệnh lý mạn tính đi kèm, sau đó các biện pháp điều trị tích cực được triển khai, mỗi nạn nhân luôn có bác sĩ trực tiếp điều trị và có một điều dưỡng bên cạnh để theo dõi, tư vấn và động viên về mặt tâm lý. Sau 2 ngày tận tình cứu chữa và chăm sóc của nhân viên y tế bệnh viện các nạn nhân đã mau chóng ổn định cả về thể lực cũng như tâm lý và có thể xuất viện được. Trong thời gian nằm viện các nạn nhân đều được bệnh viện điều trị miễn phí và được đoàn cán bộ của Bộ y tế, Sở y tế Lâm Đồng và các ban ngành đoàn thể khác đến thăm, động viên và tặng quà.
► Ý nghĩa của việc cứu hộ thành công các nạn nhân vụ sập hầm:
Việc cứu hộ thành công không những trả lại sự sống cho 12 người cụ thể mà đã mang lại những cảm xúc vô tận cho mỗi người Việt Nam ở mọi miền đất nước đang hồi hộp dõi theo từng ngày, từng giờ công tác cứu hộ. Đó là những cảm xúc vui mừng, sung sướng và niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống, vào lòng nhân ái đầy tình người của Người Việt, vào chế độ tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ta góp công mang lại. Đồng thời sự thành công này còn góp phần củng cố niềm tin của người dân vào ngành y tế cũng như niềm tin bất diệt vào người Mẹ Hiền Việt Nam luôn giang rộng đôi tay kỳ diệu để cứu vớt, ôm ấp và nâng niu mỗi người con đất Việt khi gặp nguy nan.
► Bài học kinh nghiệm:
Thành công của công tác cứu hộ và tạo ra niềm vui chung của mọi người vừa nêu trên là do:
– Có sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ và các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
– Sự nhiệt tình hưởng ứng tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp đắc lực của quân đội và y tế.
– Đây là kết quả tổng hợp của sự phối hợp liên ngành, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, sự chi viện kịp thời của Trung ương và sự quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân địa phương trong quá trình tham gia cứu hộ, cứu nạn.
– Phải có lòng quả cảm không sợ nguy nan, với phương châm cứu người là cứu mình, cứu nhân hơn cứu hỏa của bộ đội công binh đại diện cho anh bộ đội Cụ Hồ, của những người thợ mỏ, công nhân trực tiếp đào hầm tiếp cận nạn nhân và của các cán bộ từ Trung ương đến địa phương, các ban ngành đoàn thể, các phóng viên và các thành viên khác đã trực tiếp vào vị trí hầm sập để kiểm tra, chỉ đạo cứu hộ và đưa tin.
– Sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Y tế và Ngành Y tế cả nước cũng như Ngành Y tế Lâm Đồng cùng với sự chuẩn bị hết sức chu đáo, triển khai diễn tập, khẩn trương ứng phó với tất cả các tình huống đặt ra kể cả những tình huống xấu nhất. Ngoài cứu hộ cho những nạn nhân vụ thảm họa, phải có phương án sơ cấp cứu cho các nạn nhân xẩy ra trong quá trình cứu hộ. Đồng thời công tác y tế phải có sự phối hợp chặt chẽ và chi viện kịp thời giữa các tuyến từ Trung ương đến địa phương trong quá trình cứu hộ. Bộ y tế cần có quy định về biển hiệu riêng cho nhân viên y tế tham gia cứu hộ, cứu nạn không cần mặc áo blu trắng để tránh vướng làm hạn chế vận động trong quá trình cứu hộ tại hiện trường.
TS. Nguyễn Văn Luyện-GĐ T4G Lâm Đồng