Sơ kết đợt 1 chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella, tính cả đợt tiêm bổ sung đến hết tháng 11- 2014, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 96,5% trẻ đến tiêm. Mặc dù tỷ lệ đạt cao nhưng qua đợt 1 vẫn còn một số tồn tại như: phụ huynh chưa quan tâm điền đầy đủ thông tin vào mặt sau của giấy mời, việc điều tra số trẻ trong độ tuổi ở một số đơn vị chưa đầy đủ, nhất là đối tượng trẻ sống trong khu dân cư, quy trình tiêm chủng tại một số điểm chưa thành thục…
Trên cơ sở rút kinh nghiệm của đợt 1, để chuẩn bị cho đợt 2 của chiến dịch, với vai trò chủ đạo. Ngành Y tế đã có sự chuẩn bị chu đáo, tích cực. Trong đó, công tác rà soát, lập danh sách đối tượng được quan tâm thực hiện sát sao. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với trạm y tế các xã, phường, thị trấn, các trường tiểu học trên địa bàn rà soát lại danh sách các đối tượng, quan tâm điều tra cả các đối tượng không đi học nhưng đang sinh sống tại cộng đồng hoặc sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, tại các nhà chùa, trẻ vãng lai từ nơi khác về địa phương…nhằm đảm bảo tất cả số trẻ trong độ tuổi từ 6-10 tuổi đều được lập danh sách, không bỏ sót đối tượng, ảnh hưởng đến quyền lợi được phòng chống dịch bệnh của trẻ.
Để các nội dung của chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella đến được với các gia đình, các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi học tiểu học, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các bậc phụ huynh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiêm chủng để phòng, chống dịch bệnh cho con em. Tại các trường tiểu học, vào buổi sáng chào cờ đầu tuần, trong giờ sinh hoạt lớp, các trường và đội ngũ giáo viên chủ nhiệm đều thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella cho các em học sinh, phụ huynh học sinh.
Khác với đợt 1 của chiến dịch, đợt 2 này, các ngày tiêm chủng sẽ tổ chức tại các điểm tiêm chủng lưu động tại trường tiểu học. Do đó, các nhà trường đã phối hợp với trạm y tế các xã, phường, thị trấn chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo tổ chức tốt đợt 2 của chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella. Trong đó, chú ý bố trí đầy đủ các khu vực theo quy trình tiêm chủng một chiều, từ khu vực đón tiếp, phòng khám phân loại, phòng tiêm, phòng chờ sau tiêm… đảm bảo khoa học, thuận tiện.
Toàn tỉnh có 151 trường tiểu học, Ngành giáo dục-Đào tạo đã chỉ đạo các trường gửi giấy mời cho phụ huynh học sinh trước lịch tiêm ít nhất 5 ngày để phụ huynh có sự chuẩn bị, thu xếp công việc, đưa con em đi tiêm. Quan tâm hướng dẫn phụ huynh học sinh điền đầy đủ thông tin ở mặt sau của giấy mời và nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm trước ngày tiêm chủng ít nhất 1 ngày, yêu cầu phụ huynh hoặc người giám hộ của trẻ phải có mặt vào ngày tiêm chủng.
Đặc biệt, đây là đợt tiêm chủng cho lứa tuổi học đường nên hiện tượng “Phản ứng dây chuyền” được chú trọng trong cả công tác chuẩn bị, bố trí phòng chờ tách biệt khu vực tiêm và đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu. Rút kinh nghiệm từ đợt tiêm chủng tại một số tỉnh, thành phố đã triển khai trước đối với lứa tuổi học sinh trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella vừa qua đã ghi nhận một số trường hợp có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, mệt xỉu đồng loạt xảy ra với học sinh khi tham gia tiêm tại điểm tiêm ở nhà trường.
Nguyên nhân được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lý giải là do hiện tượng phản ứng tâm lý dây chuyền do quá lo lắng của trẻ khi tiêm chủng. Để phòng tránh tình trạng này, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo,, khi tổ chức tiêm cần lưu ý: Tiêm phòng cho những trẻ ít sợ tiêm trước. Bố trí phòng chờ riêng biệt, không để trẻ ngồi chờ quá lâu và thấy các bạn khác tiêm gây tâm lý căng thẳng. Bố trí các thầy cô giáo, cán bộ y tế hoặc cán bộ Đoàn thanh niên động viên, giải thích để trẻ yên tâm, bớt lo lắng trước khi tiêm chủng. Các bà mẹ cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng có đủ nước đường cho trẻ uống.
Thực hiện công tác tư vấn, theo dõi sau tiêm chủng đầy đủ. Khi trẻ có biểu hiện hiện tượng trên, cần cách ly trẻ riêng biệt ngay và chăm sóc y tế tránh phản ứng dây chuyền. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm những thông tin cần thiết khi đưa con em đến các điểm tiêm chủng: tác dụng phụ thường thấy sau khi dùng vắc xin sởi- rubella gồm sốt nhẹ, phát ban, sưng nhẹ và đau tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng. Những tác dụng phụ này đều hết sức bình thường và sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Với hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ phục hồi trong vòng 2-3 ngày mà không cần chăm sóc y tế. Rất hiếm gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng sau tiêm chủng nói chung và tiêm chủng vắc xin sởi- rubella nói riêng.
Tại Ninh Bình, từ khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella (ngày 14-10-2014) đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào gặp tai biến nặng sau tiêm chủng. Ngành y tế cũng khuyến cáo, sau khi tiêm chủng, các bậc phụ huynh cần quan tâm để trẻ được theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút để giám sát tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra. Phụ huynh cũng cần giám sát trẻ trong vòng 24 giờ sau khi tiêm chủng tại nhà, nếu trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, phát ban, sưng tại chỗ thì không cần chăm sóc y tế.
Khi trẻ bị sốt cao (trên 39o), da đột ngột tái nhợt hoặc đỏ bừng, co giật, phát ban và sưng tại chỗ tiêm hơn 24 giờ sau tiêm cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Trước khi cho trẻ đi tiêm, phụ huynh cũng cần cho trẻ ăn hoặc uống nước đường trước khi tiêm 30 phút và thông báo cho cán bộ y tế về các khuyết tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, dị ứng hoặc bất kỳ phản ứng mạnh nào trong những lần tiêm vắc xin trước đó.