Vừa nhận thông báo được trở về đón Tết cùng gia đình sau ca trực dài đằng đẵng, điều dưỡng Lê Thị Dung vui vẻ, đếm ngược từng ngày để được trở về ôm con trai 14 tháng tuổi vào lòng…
Điều dưỡng Lê Thị Dung (SN 1996) sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Thanh Hóa. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Dung chưa khi nào nghĩ sẽ gắn cuộc đời mình với những ca bệnh, với chiếc áo blouse trắng.
Đến bây giờ, khi chứng kiến sự thiệt thòi của con trai phải dứt bầu sữa nóng hổi để mẹ đi chăm bệnh nhân COVID-19, chị Dung chỉ biết rơi nước mắt mà tặc lưỡi: “Chắc là nghề chọn mình rồi”.
Năm 2017, sau khi kết thúc quãng thời gian dài trên ghế nhà trường, chị Dung có cơ duyên làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chị Dung cũng giống như bao trường hợp y, bác sĩ khác, công việc theo ca kíp và số lượng bệnh nhân cũng… “vừa sức”. Thế nhưng, từ khi Việt Nam có dịch COVID-19, mọi thứ đối với chị Dung đảo ngược hoàn toàn.
Ngày 7/12 vừa qua, chị Dung tổ chức sinh nhật cho con trai tròn 1 tuổi nhưng chỉ vài giờ sau đó, sáng sớm ngày 8/12, chị đã rơi nước mắt hôn trộm con mà lẳng lặng “lên đường”.
Tiếp nhận đợt trực dài ngày, chị Dung được phân công chăm sóc bé sơ sinh có mẹ là bệnh nhân COVID-19 nhưng sau đó, chị được điều chuyển, hỗ trợ Khoa Nội tổng hợp.
Trong ngần ấy thời gian, chị Dung chỉ biết thắt lòng mỗi khi ai đó nhắc đến con. Chị cũng bất lực mỗi khi nghe tiếng nói của mẹ qua “facetime”, con òa khóc và chìa đôi tay nhỏ bé “đòi mẹ”.
Trong buổi trò chuyện với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, nhắc đến con trai, chị Dung bật khóc: “1 tuổi đó nhưng con vẫn dùng sữa mẹ hoàn toàn. Ngày hôm trước sinh nhật vui vẻ, vẫn được ti sữa say sưa thì ngày hôm sau, phải dứt sữa luôn. Con dứt sữa rất vất vả cho bà ngoại, nhưng công việc mà, không thể cưỡng cầu được”.
Chị Dung trải lòng: “Em nhớ con lắm. Con em còn rất nhỏ và khi nhận thức được sự quen thuộc, gần gũi bên cạnh mình cũng chỉ có mỗi em. Thế mà bỗng chốc mẹ đi luôn. Vào đây rồi, lịch làm việc của em rất kín, rất dài, thường kéo dài đến hơn 21h đêm mới tạm xong việc. Đêm về tranh thủ gọi thì cũng chỉ được nhìn con ngủ. Có mẹ làm bác sĩ, có lẽ, con trai em không thể không trở thành chàng trai kiên cường, mạnh mẽ, đúng không chị?”.
Theo chị Dung, một đợt trực của BV Bệnh nhiệt đới TƯ thường kéo dài hơn 8 tuần. Tuy nhiên, với những y, bác sĩ đang có con nhỏ thì bệnh viện tạo điều kiện cho trực khoảng 2 tháng thì được trở về với con khoảng 7-9 ngày.
Những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang cận kề, chị Dung tỉ mẩn gỡ dây buộc trên cành đào. Khi đang trang hoàng cây cảnh trong không gian phòng giao ban của Khoa Nội tổng hợp cùng đồng nghiệp, chị Dung bất ngờ nhận thông báo từ lãnh đạo bệnh viện được trở về đón Tết cùng con trai từ ngày 28 tháng Chạp âm lịch, chị Dung không thể vui hơn.
Dưới ánh nắng vàng le lói, yếu ớt, hắt vào lối hành lang khoa Nội Tổng hợp, chị Dung nhẩm tính từng giờ để được trở về với con trai và có lẽ, từ ngày 28 tháng Chạp năm nay, người ta không còn nhìn thấy bóng hình một nữ điều dưỡng “tranh thủ” tựa cửa sổ giữa ca làm việc với đôi mắt mơ màng nữa. Những bệnh nhân khoa Nội Tổng hợp cũng thiếu đôi bàn tay chăm sóc của chị. Thay vào đó, chàng trai kiên cường, mạnh mẽ vừa chạm 14 tháng tuổi sẽ được nằm trong đôi bàn tay ấm áp của mẹ…!
Nguồn: SKĐS
Vừa nhận thông báo được trở về đón Tết cùng gia đình sau ca trực dài đằng đẵng, điều dưỡng Lê Thị Dung vui vẻ, đếm ngược từng ngày để được trở về ôm con trai 14 tháng tuổi vào lòng…
Điều dưỡng Lê Thị Dung (SN 1996) sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Thanh Hóa. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Dung chưa khi nào nghĩ sẽ gắn cuộc đời mình với những ca bệnh, với chiếc áo blouse trắng.
Đến bây giờ, khi chứng kiến sự thiệt thòi của con trai phải dứt bầu sữa nóng hổi để mẹ đi chăm bệnh nhân COVID-19, chị Dung chỉ biết rơi nước mắt mà tặc lưỡi: “Chắc là nghề chọn mình rồi”.
Năm 2017, sau khi kết thúc quãng thời gian dài trên ghế nhà trường, chị Dung có cơ duyên làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chị Dung cũng giống như bao trường hợp y, bác sĩ khác, công việc theo ca kíp và số lượng bệnh nhân cũng… “vừa sức”. Thế nhưng, từ khi Việt Nam có dịch COVID-19, mọi thứ đối với chị Dung đảo ngược hoàn toàn.
Ngày 7/12 vừa qua, chị Dung tổ chức sinh nhật cho con trai tròn 1 tuổi nhưng chỉ vài giờ sau đó, sáng sớm ngày 8/12, chị đã rơi nước mắt hôn trộm con mà lẳng lặng “lên đường”.
Tiếp nhận đợt trực dài ngày, chị Dung được phân công chăm sóc bé sơ sinh có mẹ là bệnh nhân COVID-19 nhưng sau đó, chị được điều chuyển, hỗ trợ Khoa Nội tổng hợp.
Trong ngần ấy thời gian, chị Dung chỉ biết thắt lòng mỗi khi ai đó nhắc đến con. Chị cũng bất lực mỗi khi nghe tiếng nói của mẹ qua “facetime”, con òa khóc và chìa đôi tay nhỏ bé “đòi mẹ”.
Trong buổi trò chuyện với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, nhắc đến con trai, chị Dung bật khóc: “1 tuổi đó nhưng con vẫn dùng sữa mẹ hoàn toàn. Ngày hôm trước sinh nhật vui vẻ, vẫn được ti sữa say sưa thì ngày hôm sau, phải dứt sữa luôn. Con dứt sữa rất vất vả cho bà ngoại, nhưng công việc mà, không thể cưỡng cầu được”.
Chị Dung trải lòng: “Em nhớ con lắm. Con em còn rất nhỏ và khi nhận thức được sự quen thuộc, gần gũi bên cạnh mình cũng chỉ có mỗi em. Thế mà bỗng chốc mẹ đi luôn. Vào đây rồi, lịch làm việc của em rất kín, rất dài, thường kéo dài đến hơn 21h đêm mới tạm xong việc. Đêm về tranh thủ gọi thì cũng chỉ được nhìn con ngủ. Có mẹ làm bác sĩ, có lẽ, con trai em không thể không trở thành chàng trai kiên cường, mạnh mẽ, đúng không chị?”.
Theo chị Dung, một đợt trực của BV Bệnh nhiệt đới TƯ thường kéo dài hơn 8 tuần. Tuy nhiên, với những y, bác sĩ đang có con nhỏ thì bệnh viện tạo điều kiện cho trực khoảng 2 tháng thì được trở về với con khoảng 7-9 ngày.
Những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang cận kề, chị Dung tỉ mẩn gỡ dây buộc trên cành đào. Khi đang trang hoàng cây cảnh trong không gian phòng giao ban của Khoa Nội tổng hợp cùng đồng nghiệp, chị Dung bất ngờ nhận thông báo từ lãnh đạo bệnh viện được trở về đón Tết cùng con trai từ ngày 28 tháng Chạp âm lịch, chị Dung không thể vui hơn.
Dưới ánh nắng vàng le lói, yếu ớt, hắt vào lối hành lang khoa Nội Tổng hợp, chị Dung nhẩm tính từng giờ để được trở về với con trai và có lẽ, từ ngày 28 tháng Chạp năm nay, người ta không còn nhìn thấy bóng hình một nữ điều dưỡng “tranh thủ” tựa cửa sổ giữa ca làm việc với đôi mắt mơ màng nữa. Những bệnh nhân khoa Nội Tổng hợp cũng thiếu đôi bàn tay chăm sóc của chị. Thay vào đó, chàng trai kiên cường, mạnh mẽ vừa chạm 14 tháng tuổi sẽ được nằm trong đôi bàn tay ấm áp của mẹ…!
Nguồn: SKĐS