Đó là bệnh nhi Trần Đức Minh, 9 tuổi, xã Bảo Đài (Lục Nam), ca bệnh đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản năm 2017. Bệnh nhân được điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sức khỏe diễn tiến tốt.
Hiện đang thời điểm bắt đầu mùa phát tán dịch bệnh này, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch viêm não Nhật Bản, kịp thời khoanh vùng, xử lí triệt để ngay khi phát hiện ổ dịch; tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị, hạn chế để lại di chứng và tử vong. Bên cạnh đó, các địa phương rà soát đối tượng, tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em; tổ chức truyền thông phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản; vận động nhân dân vệ sinh nhà ở, môi trường sống, diệt muỗi… Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt và kèm theo những rối loạn ở hệ thần kinh trung ương cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Khuyến cáo Bộ Y tế trong việc chủ động phòng chống bệnh viêm não vi rút, trong đó có Viêm não Nhật Bản:
1. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch.
2. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.
3. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.
5. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
6. Nếu có các dấu hiệu: sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê …) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. |