Hơn 1.000 năm qua, Thăng Long-Hà Nội đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử ghi dấu những chiến công vang dội của dân tộc. Trên hành trình đó có Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, một cột mốc lịch sử đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của thực dân Pháp ở nước ta, mở ra thời kỳ phát triển mới. Ngày nay, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển, Hà Nội thường xuyên phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn, tiêu biểu và gần nhất là đại dịch COVID-19. Nhưng với điểm tựa là bề dày truyền thống lịch sử hào hùng, Hà Nội sẽ không dừng bước, không những quyết tâm chiến thắng đại dịch, mà sẽ nỗ lực lập nên những chiến công mới.
Nhân dân phất cờ, tung hoa, reo mừng, chào đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu |
Dòng chảy sức mạnh quật cường của quân dân Hà Nội
Sau cách mạng tháng Tám, Hà Nội đã cùng cả nước kiên cường đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Nhưng thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Tháng 10/1946, giặc nổ súng chiếm Hải Phòng, tấn công Lạng Sơn, khiêu khích ở Hà Nội.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc bằng cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt.
Quân, dân Thủ đô đã biến mỗi ngôi nhà, mỗi ngõ, phố trở thành chiến luỹ, pháo đài đánh giặc. Sức mạnh quật cường của quân, dân Thủ đô đã kìm chân, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.
9 năm sau đó, quân, dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo trên các mặt trận, các lĩnh vực; đặc biệt là chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng thời gian này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt.
Trước tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, bảo vệ Thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, chống địch phá hoại…
Nhờ có những biện pháp kịp thời, dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, nên chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở kháng chiến trên địa bàn Hà Nội đã phát triển nhanh chóng, từng bước “vô hiệu hóa” bộ máy ngụy quyền, mở rộng chính quyền cách mạng.
Đúng 16h, ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, Hà Nội hoàn toàn sạch bóng quân thù. Tối 9/10, bộ đội ta thiết quân luật để giữ trật tự. Chỉ có bộ đội đi tuần tra. Nhưng tất cả các nhà đều để đèn sáng. Nhân dân Hà Nội đã không ngủ mà thức để chờ đón một ngày mới.
5h sáng ngày 10/10/1954, không khí khắp Thủ đô đã rất sôi động. Nhân dân đứng trên các vỉa hè chào đón đoàn quân chiến thắng hùng dũng tiến vào tiếp quản Thủ đô. 15h cùng ngày, hàng vạn nhân dân Thủ đô phấn khởi dự lễ chào cờ chiến thắng ghi dấu mốc quan trọng đưa Thủ đô bước sang một trang sử mới.
Ngay sau ngày giải phóng, phát huy khí thế cách mạng và truyền thống yêu nước nồng nàn, quân dân Hà Nội đã đoàn kết một lòng bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt. Với chiến thắng lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không”, Hà Nội đã góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (năm 1973) rút quân khỏi miền Nam Việt Nam; tạo điều kiện cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.
Đất nước thống nhất, Hà Nội cùng cả nước tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. 35 năm đổi mới đất nước, Hà Nội luôn là cánh chim đầu đàn, có những đóng góp quan trọng và to lớn vào thành tựu có ý nghĩa lịch sử của dân tộc.
Với khát vọng không ngừng vươn lên, dựng xây một Thủ đô xứng tầm, thực sự là trái tim của cả nước, năm 2008, Đảng, Nhà nước đã quyết định điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội sáp nhập với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là cuộc kiến tạo chưa từng có, đã làm nên một Hà Nội mới với không gian rộng mở, tiềm năng phát triển to lớn. 13 năm qua, quân dân Thủ đô đã tiếp bước cha anh, lập nên những thành tích đáng tự hào trên mặt trận xây dựng và phát triển. Hà Nội ngày càng xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hà Nội phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. |
Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới
Kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô, quân và dân Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố đang tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý có được trên những chặng đường đã qua, để quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19. Trong đó, bài học huy động sức mạnh toàn dân là yếu tố quyết định.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Hà Nội phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” trên địa bàn thành phố.
Dưới sự lãnh đạo thống nhất từ Thành ủy đến Ban chỉ đạo, sở chỉ huy, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở đã cùng vào cuộc, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng lòng, tự giác của nhân dân. Thực tế triển khai cho thấy, nơi nào nhân dân cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ rất cao, kể cả khi giãn cách xã hội và khi nới lỏng thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội còn đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các cấp, các ngành qua đó phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ các cấp. Với tinh thần mỗi xã, phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch, Thành phố đã phát huy tinh thần chủ động, quận lo cho quận, huyện lo cho huyện, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố cũng phải chủ động tự lo cho mình. Từng gia đình, người dân phải có trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng, Thủ đô, đất nước.
Phát huy tinh thần đó nhiều quận, huyện, xã, phường đã căn cứ vào tình hình địa phương, xây dựng các phương án chống dịch một cách sáng tạo. Tiêu biểu là huyện Đông Anh với mô hình cách ly “3 lớp” đã có 7 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đột xuất.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ ngày 27/4/2021, Hà Nội đã cho thấy luôn bình tĩnh, sáng suốt đánh giá, dự báo chính xác tình hình, từ đó đề ra các giải pháp đúng, trúng phù hợp với từng thời điểm. Thành phố đã dũng cảm áp dụng các biện pháp mạnh cao hơn một mức ngay từ đầu, nên đã kịp thời ngăn chặn đà lây lan mạnh của dịch bệnh, chủ động khống chế, không để vượt tầm kiểm soát.
Trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quán triệt trong cả hệ thống chính trị tinh thần xác định phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1, lấy hiệu quả công tác phòng, chống dịch là “thước đo” năng lực, uy tín cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Cụ thể hóa tinh thần này, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”.
Cấp ủy chỉ đạo sát sao, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy được phân công phụ trách địa bàn, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ về hiệu quả chống dịch; UBND, Chủ tịch UBND các cấp được xác định rõ vai trò “tư lệnh” toàn quyền chỉ huy.
Nhịp sống “bình thường mới” của người dân Hà Nội sau những ngày giãn cách. Ảnh: Báo Dân Trí |
Điểm nhấn khác là thành phố luôn xác định “Dân là gốc”, mọi chủ trương dù có hay đến mấy mà người dân không ủng hộ thì cũng không thực hiện thành công. Người dân đã được đặt vào vị trí trung tâm, chủ thể của công tác phòng chống dịch. Không chỉ có ý thức tự giác cao chấp hành các quy định mà Thành phố đề ra, người dân Thủ đô còn nêu cao tinh thần chủ động, đoàn kết cộng đồng, đã lập ra hàng trăm tổ tự quản cộng đồng, bảo vệ “vùng xanh”, tham gia góp công, góp sức với hơn 4.500 tổ COVID-19 cộng đồng gồm gần 30.000 nhóm.
Trải qua 4 lần bùng phát dịch COVID-19, người dân Hà Nội luôn biết phát huy những truyền thống quý báu, tương thân tương ái, đoàn kết để chung sức, chung lòng gánh vác cùng Đảng bộ, chính quyền Thủ đô. Những ngày qua, các lực lượng tuyến đầu, lực lượng quân đội, công an, y, bác sĩ, tình nguyện viên… và đặc biệt sự vào cuộc thực chất của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, luôn thầm lặng hy sinh đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh, quyết tâm bảo vệ Thủ đô và cuộc sống bình yên, an toàn cho nhân dân.
Có thể nói, vận dụng bài học từ trong lịch sử đấu tranh vẻ vang, Hà Nội đã khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, lập nên một hệ thống phòng, chống dịch mạnh mẽ, xuyên suốt bao phủ từ cấp thành phố xuống tận thôn, xóm, ngõ, phố. Đây là tấm lá chắn bảo vệ Thủ đô an toàn trước làn sóng dịch thứ tư được coi là nguy hiểm nhất, mức độ ảnh hưởng lớn nhất; tạo điều kiện cho thành phố nới lỏng dần một số hoạt động, đi từng bước vững chắc hướng tới mục tiêu thiết lập trạng thái bình thường mới.
Huy động sức dân, nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền Thủ đô không ngừng quan tâm, chăm lo đời sống cho nhân dân. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố đã kịp thời hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời ban hành thêm chính sách đặc thù hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Tính đến đầu tháng 10/2021, hơn 3,2 triệu lượt người dân trên địa bàn đã được thụ hưởng các khoản hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1.375 tỷ đồng…
Thành phố còn phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an dân.
Người dân còn tham gia, hưởng ứng với nhiều cách làm hay, lan tỏa sâu rộng như phong trào “Thuê phòng trọ”, “Bữa xôi sáng”, “Cơm tình thương” “Đi chợ giúp dân”, … tổ chức hàng ngàn chuyến xe tình nguyện miễn phí chở hàng thiết yếu đi khắp các địa bàn thành phố và một số tỉnh ở xa. Cùng với công tác chống dịch, đã hình thành nhiều đội tình nguyện đến từng nhà giúp dân. Sự lan tỏa tinh thần nhường cơm, sẻ áo trong nhân dân trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh, vững tin để Thủ đô thu được nhiều kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Xác định “chống dịch như chống giặc”, Hà Nội đã sẵn sàng mọi điều kiện để bước vào các chiến dịch lớn; trong đó có chiến dịch thần tốc tiêm vaccine diện rộng miễn phí cho nhân dân khi đủ thuốc và chiến dịch huy động sức dân đóng góp tạo nguồn quỹ phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến nay cơ bản đã hoàn thành việc tiêm chủng phủ mũi 1 cho người dân đủ điều kiện tiêm.
Trong suốt “cuộc chiến” cam go, khó khăn với COVID-19, công tác phòng, chống dịch của TP. Hà Nội đã để lại nhiều dấu ấn, được Trung ương, Chính phủ nhiều lần biểu dương. Trong đó, nhiều ý kiến ghi nhận, Hà Nội đã không chỉ bám sát tình hình, dự báo chính xác mà còn đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp.
Thành phố đã làm tốt việc phân cấp, phân quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo; chú trọng chuẩn bị “4 tại chỗ” để chủ động trong mọi tình huống, phương án. Ngoài ra, giải pháp duy trì giãn cách xã hội, phân vùng chống dịch, kết hợp với xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết F1 mà Hà Nội đã triển khai thực hiện cũng được đánh giá là giải pháp quyết định giúp thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch, Hà Nội không lẻ loi. Nhiều năm qua, nhờ truyền thống tương thân, tương ái, Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, đáp lại những ân tình đó, những ngày giãn cách, những chuyến hàng chở thực phẩm, những đoàn xe chở cán bộ, y, bác sĩ từ các tỉnh, thành phố về hỗ trợ Hà Nội… góp thêm sức mạnh, nhân lên sự quyết tâm để Thủ đô chiến thắng đại dịch.
Từ ngày 16/9 đến nay, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động để vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Trong tình hình mới, Thành phố nhanh chóng xác định sẽ tập trung chuyển trạng thái từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo.
Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp để hai chủ thể này thực sự là trung tâm. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên.
Có thể khẳng định, những gì đang được chứng kiến qua cuộc chiến chống đại dịch COVID đã cho thấy tài năng trí tuệ, sáng kiến của nhân dân Thủ đô đã được phát huy cao nhất, tạo nên niềm tin mạnh mẽ thành phố sẽ nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đưa mọi hoạt động về trạng thái bình thường mới, tạo động lực cho mọi ngành mọi cấp nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội, tăng trưởng trở lại, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.
Nguyễn Văn Phong,
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội
Nguồn: Chinhphu.vn
Hơn 1.000 năm qua, Thăng Long-Hà Nội đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử ghi dấu những chiến công vang dội của dân tộc. Trên hành trình đó có Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, một cột mốc lịch sử đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của thực dân Pháp ở nước ta, mở ra thời kỳ phát triển mới. Ngày nay, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển, Hà Nội thường xuyên phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn, tiêu biểu và gần nhất là đại dịch COVID-19. Nhưng với điểm tựa là bề dày truyền thống lịch sử hào hùng, Hà Nội sẽ không dừng bước, không những quyết tâm chiến thắng đại dịch, mà sẽ nỗ lực lập nên những chiến công mới.
Nhân dân phất cờ, tung hoa, reo mừng, chào đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu |
Dòng chảy sức mạnh quật cường của quân dân Hà Nội
Sau cách mạng tháng Tám, Hà Nội đã cùng cả nước kiên cường đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Nhưng thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Tháng 10/1946, giặc nổ súng chiếm Hải Phòng, tấn công Lạng Sơn, khiêu khích ở Hà Nội.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc bằng cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt.
Quân, dân Thủ đô đã biến mỗi ngôi nhà, mỗi ngõ, phố trở thành chiến luỹ, pháo đài đánh giặc. Sức mạnh quật cường của quân, dân Thủ đô đã kìm chân, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.
9 năm sau đó, quân, dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo trên các mặt trận, các lĩnh vực; đặc biệt là chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng thời gian này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt.
Trước tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, bảo vệ Thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, chống địch phá hoại…
Nhờ có những biện pháp kịp thời, dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, nên chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở kháng chiến trên địa bàn Hà Nội đã phát triển nhanh chóng, từng bước “vô hiệu hóa” bộ máy ngụy quyền, mở rộng chính quyền cách mạng.
Đúng 16h, ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, Hà Nội hoàn toàn sạch bóng quân thù. Tối 9/10, bộ đội ta thiết quân luật để giữ trật tự. Chỉ có bộ đội đi tuần tra. Nhưng tất cả các nhà đều để đèn sáng. Nhân dân Hà Nội đã không ngủ mà thức để chờ đón một ngày mới.
5h sáng ngày 10/10/1954, không khí khắp Thủ đô đã rất sôi động. Nhân dân đứng trên các vỉa hè chào đón đoàn quân chiến thắng hùng dũng tiến vào tiếp quản Thủ đô. 15h cùng ngày, hàng vạn nhân dân Thủ đô phấn khởi dự lễ chào cờ chiến thắng ghi dấu mốc quan trọng đưa Thủ đô bước sang một trang sử mới.
Ngay sau ngày giải phóng, phát huy khí thế cách mạng và truyền thống yêu nước nồng nàn, quân dân Hà Nội đã đoàn kết một lòng bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt. Với chiến thắng lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không”, Hà Nội đã góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (năm 1973) rút quân khỏi miền Nam Việt Nam; tạo điều kiện cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.
Đất nước thống nhất, Hà Nội cùng cả nước tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. 35 năm đổi mới đất nước, Hà Nội luôn là cánh chim đầu đàn, có những đóng góp quan trọng và to lớn vào thành tựu có ý nghĩa lịch sử của dân tộc.
Với khát vọng không ngừng vươn lên, dựng xây một Thủ đô xứng tầm, thực sự là trái tim của cả nước, năm 2008, Đảng, Nhà nước đã quyết định điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội sáp nhập với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là cuộc kiến tạo chưa từng có, đã làm nên một Hà Nội mới với không gian rộng mở, tiềm năng phát triển to lớn. 13 năm qua, quân dân Thủ đô đã tiếp bước cha anh, lập nên những thành tích đáng tự hào trên mặt trận xây dựng và phát triển. Hà Nội ngày càng xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hà Nội phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. |
Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới
Kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô, quân và dân Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố đang tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý có được trên những chặng đường đã qua, để quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19. Trong đó, bài học huy động sức mạnh toàn dân là yếu tố quyết định.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Hà Nội phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” trên địa bàn thành phố.
Dưới sự lãnh đạo thống nhất từ Thành ủy đến Ban chỉ đạo, sở chỉ huy, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở đã cùng vào cuộc, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng lòng, tự giác của nhân dân. Thực tế triển khai cho thấy, nơi nào nhân dân cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ rất cao, kể cả khi giãn cách xã hội và khi nới lỏng thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội còn đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các cấp, các ngành qua đó phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ các cấp. Với tinh thần mỗi xã, phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch, Thành phố đã phát huy tinh thần chủ động, quận lo cho quận, huyện lo cho huyện, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố cũng phải chủ động tự lo cho mình. Từng gia đình, người dân phải có trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng, Thủ đô, đất nước.
Phát huy tinh thần đó nhiều quận, huyện, xã, phường đã căn cứ vào tình hình địa phương, xây dựng các phương án chống dịch một cách sáng tạo. Tiêu biểu là huyện Đông Anh với mô hình cách ly “3 lớp” đã có 7 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đột xuất.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ ngày 27/4/2021, Hà Nội đã cho thấy luôn bình tĩnh, sáng suốt đánh giá, dự báo chính xác tình hình, từ đó đề ra các giải pháp đúng, trúng phù hợp với từng thời điểm. Thành phố đã dũng cảm áp dụng các biện pháp mạnh cao hơn một mức ngay từ đầu, nên đã kịp thời ngăn chặn đà lây lan mạnh của dịch bệnh, chủ động khống chế, không để vượt tầm kiểm soát.
Trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quán triệt trong cả hệ thống chính trị tinh thần xác định phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1, lấy hiệu quả công tác phòng, chống dịch là “thước đo” năng lực, uy tín cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Cụ thể hóa tinh thần này, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”.
Cấp ủy chỉ đạo sát sao, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy được phân công phụ trách địa bàn, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ về hiệu quả chống dịch; UBND, Chủ tịch UBND các cấp được xác định rõ vai trò “tư lệnh” toàn quyền chỉ huy.
Nhịp sống “bình thường mới” của người dân Hà Nội sau những ngày giãn cách. Ảnh: Báo Dân Trí |
Điểm nhấn khác là thành phố luôn xác định “Dân là gốc”, mọi chủ trương dù có hay đến mấy mà người dân không ủng hộ thì cũng không thực hiện thành công. Người dân đã được đặt vào vị trí trung tâm, chủ thể của công tác phòng chống dịch. Không chỉ có ý thức tự giác cao chấp hành các quy định mà Thành phố đề ra, người dân Thủ đô còn nêu cao tinh thần chủ động, đoàn kết cộng đồng, đã lập ra hàng trăm tổ tự quản cộng đồng, bảo vệ “vùng xanh”, tham gia góp công, góp sức với hơn 4.500 tổ COVID-19 cộng đồng gồm gần 30.000 nhóm.
Trải qua 4 lần bùng phát dịch COVID-19, người dân Hà Nội luôn biết phát huy những truyền thống quý báu, tương thân tương ái, đoàn kết để chung sức, chung lòng gánh vác cùng Đảng bộ, chính quyền Thủ đô. Những ngày qua, các lực lượng tuyến đầu, lực lượng quân đội, công an, y, bác sĩ, tình nguyện viên… và đặc biệt sự vào cuộc thực chất của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, luôn thầm lặng hy sinh đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh, quyết tâm bảo vệ Thủ đô và cuộc sống bình yên, an toàn cho nhân dân.
Có thể nói, vận dụng bài học từ trong lịch sử đấu tranh vẻ vang, Hà Nội đã khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, lập nên một hệ thống phòng, chống dịch mạnh mẽ, xuyên suốt bao phủ từ cấp thành phố xuống tận thôn, xóm, ngõ, phố. Đây là tấm lá chắn bảo vệ Thủ đô an toàn trước làn sóng dịch thứ tư được coi là nguy hiểm nhất, mức độ ảnh hưởng lớn nhất; tạo điều kiện cho thành phố nới lỏng dần một số hoạt động, đi từng bước vững chắc hướng tới mục tiêu thiết lập trạng thái bình thường mới.
Huy động sức dân, nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền Thủ đô không ngừng quan tâm, chăm lo đời sống cho nhân dân. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố đã kịp thời hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời ban hành thêm chính sách đặc thù hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Tính đến đầu tháng 10/2021, hơn 3,2 triệu lượt người dân trên địa bàn đã được thụ hưởng các khoản hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1.375 tỷ đồng…
Thành phố còn phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an dân.
Người dân còn tham gia, hưởng ứng với nhiều cách làm hay, lan tỏa sâu rộng như phong trào “Thuê phòng trọ”, “Bữa xôi sáng”, “Cơm tình thương” “Đi chợ giúp dân”, … tổ chức hàng ngàn chuyến xe tình nguyện miễn phí chở hàng thiết yếu đi khắp các địa bàn thành phố và một số tỉnh ở xa. Cùng với công tác chống dịch, đã hình thành nhiều đội tình nguyện đến từng nhà giúp dân. Sự lan tỏa tinh thần nhường cơm, sẻ áo trong nhân dân trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh, vững tin để Thủ đô thu được nhiều kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Xác định “chống dịch như chống giặc”, Hà Nội đã sẵn sàng mọi điều kiện để bước vào các chiến dịch lớn; trong đó có chiến dịch thần tốc tiêm vaccine diện rộng miễn phí cho nhân dân khi đủ thuốc và chiến dịch huy động sức dân đóng góp tạo nguồn quỹ phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến nay cơ bản đã hoàn thành việc tiêm chủng phủ mũi 1 cho người dân đủ điều kiện tiêm.
Trong suốt “cuộc chiến” cam go, khó khăn với COVID-19, công tác phòng, chống dịch của TP. Hà Nội đã để lại nhiều dấu ấn, được Trung ương, Chính phủ nhiều lần biểu dương. Trong đó, nhiều ý kiến ghi nhận, Hà Nội đã không chỉ bám sát tình hình, dự báo chính xác mà còn đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp.
Thành phố đã làm tốt việc phân cấp, phân quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo; chú trọng chuẩn bị “4 tại chỗ” để chủ động trong mọi tình huống, phương án. Ngoài ra, giải pháp duy trì giãn cách xã hội, phân vùng chống dịch, kết hợp với xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết F1 mà Hà Nội đã triển khai thực hiện cũng được đánh giá là giải pháp quyết định giúp thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch, Hà Nội không lẻ loi. Nhiều năm qua, nhờ truyền thống tương thân, tương ái, Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, đáp lại những ân tình đó, những ngày giãn cách, những chuyến hàng chở thực phẩm, những đoàn xe chở cán bộ, y, bác sĩ từ các tỉnh, thành phố về hỗ trợ Hà Nội… góp thêm sức mạnh, nhân lên sự quyết tâm để Thủ đô chiến thắng đại dịch.
Từ ngày 16/9 đến nay, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động để vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Trong tình hình mới, Thành phố nhanh chóng xác định sẽ tập trung chuyển trạng thái từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo.
Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp để hai chủ thể này thực sự là trung tâm. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên.
Có thể khẳng định, những gì đang được chứng kiến qua cuộc chiến chống đại dịch COVID đã cho thấy tài năng trí tuệ, sáng kiến của nhân dân Thủ đô đã được phát huy cao nhất, tạo nên niềm tin mạnh mẽ thành phố sẽ nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đưa mọi hoạt động về trạng thái bình thường mới, tạo động lực cho mọi ngành mọi cấp nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội, tăng trưởng trở lại, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.
Nguyễn Văn Phong,
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội
Nguồn: Chinhphu.vn