Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ của huyện Hoằng Hóa được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể, sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân. Không một cá nhân, tổ chức nào đứng ngoài công tác DS-KHHGĐ. Đã có nhiều cố gắng xây dựng cơ sở vật chất, ổn định bộ máy hoạt động dân số từ huyện đến cơ sở, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục trên mọi hình thức, thực hiện các hoạt động dịch vụ kỹ thuật, đa dạng hoá các biện pháp tránh thai… Qua quá trình hoạt động đã đạt được những thành quả nhất định; giữ được quy mô dân số ở mức hợp lý, chất lượng dân số từng bước được nâng lên… Những thành quả của công tác DS-KHHGĐ đó góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Bên cạnh những mặt tích cực, còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền có tư tưởng thỏa mãm với những kết quả đã đạt được, dẫn đến buông lỏng quản lý, việc tuyên truyền, vận động không thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả chưa cao…
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trên Chỉ thị số 18 ra đời hết sức cần thiết, kịp thời, xem các mục tiêu về dân số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương; tránh tình trạng chủ quan, buông lỏng sự lãnh đạo, giao phó cho cơ quan chuyên môn; quan tâm tới việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở vật chất và các điều kiện để cán bộ dân số hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời, dùng 1 phần kinh phí thích hợp từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác dân số; tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và mọi người dân về ý thức, trách nhiệm trong công tác dân số; làm cho người dân hiểu rõ các nguy cơ về việc tăng dân số, mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số thấp…là những thách thức thật sự ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội; biểu dương, khen thưởng đồng thời phê phán, có hình thức kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách về dân số nhất là về chẩn đoán, lựa chọn thai nhi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết không bổ nhiệm, quy hoạch những cán bộ vi phạm về công tác dân số.
Sau khi chỉ thị 18 ra đời, UBND huyện đã có kế hoạch hành động và kiện toàn lại Ban chỉ đạo công tác dân số cấp huyện và cấp xã với các thành viên là lãnh đạo huyện, các trưởng, phó phòng với mục tiêu giảm nhanh mức sinh và số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên so với năm 2012; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; hạ tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên từ 0,76% năm 2012 xuống 0,68% năm 2013, duy trì ở mức 0,64% trong những năm tiếp theo.
Trong năm 2013 Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp với Trung tâm chính trị huyện lồng ghép những kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, mất cân bằng giới tính vào 5 lớp với 500 đối tượng là Đảng viên mới tham dự; cùng với Hội phụ nữ huyện mở các lớp truyền thông cho 150 phụ nữ sinh 2 con một bề là gái và tại 3 xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao như: Hoằng Phú, Hoằng Châu, Hoằng Trường; mở 2 lớp tập huấn để nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông, tư vấn cho 200 Cộng tác viên dân số; tổ chức buổi lễ diễu hành mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới. Buổi lễ mít tinh diễu hành có sự tham gia của lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể, với sự tham gia diễu hành của hơn 100 đối tượng là cán bộ đoàn thanh niên, cán bộ dân số của các xã, thị trấn, buổi mít tinh đã mang đến không khí hào hứng, sôi nổi trong công tác tuyên truyền về dân số.
Mặc dù đạt được những thành tích rất có ý nghĩa trong công tác DS-KHHGĐ thời gian qua, song năm 2011 và năm 2012 huyện Hoằng Hóa cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới về các vấn đề như chất lượng DS, cơ cấu dân số, tỷ lệ sinh tăng đột biến, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng… Trong năm 2013 với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ sau khi có Chỉ thị số 18 ra đời, công tác dân số đã có những chuyển biến tích cực tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 0,68% giảm 0,8% so với năm 2012; tỷ suất sinh thô 13,34% giảm 0,76% so với 2012; tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai 72%…
Ông Lê Bá Toàn, Giám đốc trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoằng Hóa chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong tỉnh huyện ủy ra Chỉ thị về công tác dân số, các kế hoạch hành động đã được triển khai xuống tận cơ sở, đồng thời kiện toàn lại bộ máy, sàng lọc, chọn lựa những đồng chí tâm huyết, trách nhiệm với công tác dân số. Chỉ thị 18 của Ban thường vụ huyện ủy như 1 luồng gió mới được người dân đồng tình ủng hộ, các cấp chính quyền rất hưởng ứng, đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, là tiền đề để các mục tiêu về dân số đạt kết quả như mong muốn.”
“Để thực hiện thắng lợi chính sách DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước, công tác DS-KHHGĐ là một công tác lâu dài, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, liên tục, mới thuyết phục được người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hưởng ứng và tự nguyện chấp nhận thực hiện gia đình một hoặc hai con. Chúng tôi cố gắng duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đồng thời nâng cao chất lượng dân số, kiềm chế việc mất cân bằng giới tính khi sinh; lấy tuyên truyền giáo dục là biện pháp chủ yếu, từng bước thể chế hoá các chính sách dân số, thực hiện các mục tiêu Chiến lược DS – SKSS giai đoạn 2011-2020. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn dân, sự cố gắng của toàn thể cán bộ công chức, viên chức làm công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được các mục tiêu về DS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, giúp phần vào sự thành công của huyện nói riêng và của cả nước nói chung trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ và công cuộc đổi mới của đất nước. Trong năm 2014, chúng tôi tiếp tục duy trì mức giảm sinh thấp hợp lý, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, từng bước nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng thông tin, giảm thiểu mất cân bằng giới tính”, ông Toàn cho biết thêm.
Ngọc Hưng