Việc mang thai quá sớm sẽ khiến bà mẹ và trẻ sơ sinh luôn đối mặt với rất nhiều tai biến có thể xảy ra. Tranh minh họa
Sản phụ nhập viện sốt cao
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế Phước Sơn, Sở Y tế cử đoàn cán bộ gồm lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và bác sĩ chuyên khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ chuyên khoa nhi sơ sinh Bệnh viện Nhi tỉnh đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn kiểm tra hồ sơ, quá trình tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân đối với những trường hợp này.
Theo đó, trường hợp thứ nhất là sản phụ Hồ Thị Tiểu Điệp (17 tuổi, trú tại thôn 3, xã Phước Năng, Phước Sơn) nhập viện lúc 22h ngày 4/9 trong tình trạng sốt 400C, chuyển dạ thai con so 7 tháng. Đến 14h45 ngày 5/9, sản phụ sinh bé trai nặng 1,6kg, trẻ không khóc, không thở, không có phản xạ tay chân, da trắng bệch, bụng căng cứng, chắc, nhịp tim nhanh, yếu. Lúc sinh phát hiện bánh nhau phù nề, lượng nước ối nhiều, các y bác sĩ phiên trực đã tiến hành thổi ngạt tích cực nhưng không kết quả và trẻ tử vong lúc 15h45 cùng ngày. Trường hợp này được Sở Y tế Quảng Nam nhận định là do mẹ sinh non, nhiễm trùng ối, đa ối… biến chứng dẫn đến bị trụy hô hấp tuần hoàn không hồi phục dẫn đến tử vong.
Trường hợp thứ hai là chị Hồ Thị Phơ (17 tuổi, trú tại thôn Trà Văn A, xã Phước Kim, Phước Sơn), nhập viện lúc 10p0 ngày 4/9 trong tình trạng tăng huyết áp, chuyển dạ con so đủ tháng. Quá trình chuyển dạ ghi nhận sản phụ sốt 390C, tiền sản giật và tim thai suy. Đến 18h45′ cùng ngày sinh bé trai bị ngạt nặng, mẹ bánh nhau thiếu, mủn nát và có mùi hôi. Trẻ được hồi sức tích cực nhưng không kết quả và tử vong lúc 20h cùng ngày. Chị Phơ được chuyển viện về Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam lúc 20h30 trong tình trạng sốt cao, huyết áp tụt… Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người mẹ được điều trị tích cực và đã ổn định. Theo nhận định của Sở Y tế, nguyên nhân do ngạt nặng sau sinh kèm nhiễm trùng sơ sinh và dẫn đến biến chứng trụy hô hấp, tuần hoàn không hồi phục dẫn đến tử vong.
Trường hợp thứ ba là chị Hồ Thị Íp (17 tuổi, trú tại thôn 1A, xã Phước Thành, Phước Sơn) vào viện lúc 22h ngày 4/9 với thai lần hai (con rạ) đủ tháng. Lúc 23h45 sản phụ sinh thường 1 bé gái nặng 2,8kg. Lúc sinh ghi nhận nước ối xanh, bẩn, lượng ít. Ngay sau sinh trẻ khóc to, bú được, mẹ và con được chuyển về phòng hậu sản để theo dõi nhưng đến 6h sáng hôm sau (5/9) thì trẻ ngưng tim, ngưng thở và tím tái. Phiên trực đã hồi sức tích cực giúp trẻ hồng trở lại nhưng vẫn thở yếu và bú kém; khi xử trí cấp cứu có phát hiện sữa trào ra từ mũi, miệng của trẻ. Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn đã tổ chức hội chẩn và kết luận: Theo dõi viêm phổi nghi do sặc sữa, chỉ định cho chuyển viện. Trong lúc làm thủ tục chuyển viện thì trẻ đột ngột khó thở trở lại, tím tái và ngừng thở, sau đó tử vong lúc 8h30 ngày 5/9. Trường hợp này, Sở Y tế Quảng Nam kết luận trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh do nhiễm trùng ối. Trẻ bị sặc sữa, suy hô hấp, tuần hoàn không hồi phục dẫn tới tử vong.
Kíp trực đã làm đúng quy trình
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, đoàn kiểm tra bao gồm lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và bác sĩ chuyên khoa sản tại Bệnh viện Đa khoa và bác sĩ chuyên khoa nhi sơ sinh tại Bệnh viện Nhi tỉnh. “Trong vụ việc này, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn đã làm đúng quy trình và không có gì sai”, ông Hai nói.
Theo báo cáo gửi Bộ Y tế ngày 12/9, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đánh giá: Về quy trình tiếp đón, tổ chức điều trị cho sản phụ, các sản phụ đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn đều được tiếp đón tại bộ phận phòng khám và chuyển vào Khoa Sản kịp thời. Sau đó tại Khoa Sản, họ được tổ chức thăm khám, theo dõi và chăm sóc trước, trong và sau sinh đảm bảo theo đúng hướng dẫn quốc gia về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản hiện hành.
Cũng theo kết luận, thái độ phục vụ và thực hiện quy chế giao tiếp ứng xử của cán bộ, viên chức Khoa Sản đều thực hiện tốt. Hiện tại, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều phản ảnh những ghi nhận về sự tận tình, tích cực của cán bộ kíp trực trong chăm sóc, xử trí cấp cứu cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Sở cho biết, không có ý kiến thắc mắc từ phía người nhà của các trường hợp có trẻ sơ sinh tử vong.
Về trang thiết bị và thuốc cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn đã trang bị tại Khoa Sản theo đúng quy định. Về thực hiện các quy chế chuyên môn trong bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cũng đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế thường trực cấp cứu, hội chẩn, kiểm thảo tử vong.
Đánh giá về 3 trường hợp này, PGS.TS Lưu Thị Hồng cho rằng, có một vấn đề cần quan tâm ở đây là cả 3 trường hợp sản phụ đều sinh con ở tuổi 17, lứa tuổi vị thành niên. Nghĩa là các em đã quan hệ tình dục sớm và lấy chồng ở tuổi 16 hoặc sớm hơn. Thậm chí, ở lứa tuổi này có một sản phụ sinh đã sinh còn lần thứ 2. “Rõ ràng ở lứa tuổi còn quá trẻ các em chưa có các kiến thức để có thể làm mẹ; chưa biết cách tự chăm sóc mình hoặc tự phát hiện ra bệnh trong quá trình mang thai”, PGS.TS Lưu Thị Hồng nhấn mạnh.
Trong 3 trường hợp trên, có thể thấy các sản phụ đều đến viện trong tình trạng đang sốt cao không rõ nguyên nhân. Cũng theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, ở độ tuổi của các em việc mang thai sớm có nhiều nguy cơ tai biến sản khoa, sức khỏe của các em không đảm bảo cho cả mẹ và con nên nhiều trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng từ trong bào thai. Do đó, khi sinh ra, những đứa trẻ này cũng dễ gặp nhiều bệnh tật, việc nuôi dưỡng cũng trở nên khó khăn hơn. Đứa trẻ khó phát triển đầy đủ và toàn diện như những đứa trẻ con của các bà mẹ trưởng thành khác… |