Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ có nhiều cống hiến vĩ đại trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội… Riêng trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Bác cũng đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm sâu sắc, có ý nghĩa định hướng cho việc phát triển một nền y học Việt Nam mang tính thời đại.
Ngay từ khi mới thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1945, đến khi qua đời, Bác đã có nhiều bài nói, bài viết về công tác y tế, trong đó có nhiều bài viết về vấn đề vệ sinh phòng bệnh. Bác coi đây là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào Phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Bác thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Bác nói: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, Bác cũng đã dành một điều để nhắc nhở các cháu học sinh, đó là phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”. Bác đưa ra quan điểm “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Đây chính là định hướng cơ bản cho công tác y tế qua các thời kỳ.
Để triển khai tốt các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Bác đã quán triệt việc phát động Phong trào tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện. Đặc biệt, ngày 02-7-1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572, kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh.
Chú trọng công tác về truyền thông
Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2012 – 2016 đã được tỉnh Tuyên Quang triển khai đồng bộ tới tất cả các cấp, từ tỉnh, huyện đến cấp xã, phường, thị trấn, thôn bản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, có sức lan tỏa đã tác động tích cực tới ý thức người dân trong việc nâng cao nhận thức về vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân… Tùy theo điều kiện của mỗi địa phương trong tỉnh, phong trào vệ sinh yêu nước đã được tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp như: Treo băng-rôn khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước tại nhiều tuyến đường; tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp, qua loa truyền thanh của thôn, bản; thăm hộ gia đình, tư vấn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân 2/7, Ngày thế giới rửa tay với xà phòng 15/10, Ngày toilet thế giới 19/11…
Lễ phát động phong trào “Rửa tay với xà phòng, hưởng ứng Ngày toilet thế giới”
tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Để phục vụ cho công tác tuyên truyền, tỉnh Tuyên Quang đã phát hành 28.200 tờ rơi hướng dẫn xây dựng nhà tiêu tự hoại và thấm dội nước giá rẻ, 1.539 đĩa hướng dẫn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 875 quyển tài liệu hướng dẫn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình… Bên cạnh đó, in 1.528 tranh tuyên truyền phục vụ công tác họp dân của 764 thôn thuộc 47 xã trên địa bàn hai huyện Yên Sơn, Hàm Yên; 2.386 sổ tay hướng dẫn truyền thông vận động người dân thay đổi hành vi vệ sinh và xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cho cán bộ y tế, phụ nữ thôn.
Việc tổ chức hội nghị tập huấn được đặc biệt chú trọng, qua đó góp phần chuyển tải trực tiếp những thông điệp, khuyến cáo cần thiết về phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường… đến các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2012 – 2016, tỉnh đã tổ chức 09 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế và phụ nữ của 47 xã và 09 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 235 thợ xây thôn bản, 10 lớp hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn bộ y tế cho 1.594 người là trưởng thôn, y tế thôn bả, phụ nữ thôn cùng các hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh…
Những kết quả nổi bật
Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân tại Tuyên Quang đã được triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo đúng hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang và Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế). Qua công tác chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân đã nhận thức rõ được mục đích, tầm quan trọng của phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực với quyết tâm và trách nhiệm cao để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân đã được phát triển rộng, tới cơ sở và được đẩy mạnh; đội ngũ cán bộ, cộng tác viên y tế ở các cấp được bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức và năng lực hoạt động; việc khen thưởng động viên kịp thời các cán bộ, cộng tác viên và nhân dân tích cực thi đua được quan tâm…
Tổ chức và hoạt động của Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân từ cấp tỉnh, huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn, thôn, bản và các tổ chức chính trị – xã hội dần đi vào nề nếp, có chất lượng. Các đơn vị đã có những hoạt động tích cực, đóng góp lớn vào mục tiêu của phong trào, làm cho mọi người, mọi nhà, mọi ngành quan tâm hơn đến công tác vệ sinh yêu nước, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
hướng dẫn một hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Một trong những kết quả đáng chú ý là mô hình làng văn hóa sức khỏe được triển khai tại 07 xã trên địa bàn các huyện Na hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Tại các xã điểm, người dân địa phương đã quan tâm đến vấn đề cải thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế bệnh dịch nguy hiểm lây lan, xây dựng được mô hình sức khỏe cho mọi nhà. Thói quen vứt rác bừa bãi được hạn chế, việc xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch cho sinh hoạt ở một bộ phận cư dân nông thôn trong các xã từng bước được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong tỉnh đạt khoảng 85%; 61% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (năm 2012 chỉ đạt 48%) …
Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân trở thành một phong trào sâu rộng, với sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Phấn đấu giai đoạn 2017 – 2021, sẽ có 98% dân cư thành thị, 85% cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 50% theo quy chuẩn QCVN 02-BYT; 100% trường học thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh trong học sinh, sinh viên; 100% các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm cam kết thực hiện không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn…; mỗi người dân đều thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… bảo đảm xây dựng môi trường sống sạch hơn, an toàn hơn, dịch bệnh ít hơn./.